Friday, September 27, 2024

Nguyễn Thị Hoàng – Người Yêu Muôn Thủa

Nguyễn Thị Hoàng là một trong những nhà văn nữ tài năng, tên tuổi đã được khẳng định ở miền Nam trước 1975. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, bà hầu như biến mất khỏi giới nghệ thuật và sống một cuộc sống yên lặng đến tận 1990, khi bà cho ra đời “Nhật ký của im lặng”. Mùa Xuân 2003, lần đầu tiên Mai Ninh phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng về cuộc đời và văn nghiệp, bài đăng trên Ăn Mày Văn Chương ở Pháp. Năm 2007, bà lại xuất hiện qua một tùy bút nhan đề “Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan” được đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo (số Xuân Mậu Tí, 12.2007). Tháng 8 năm 2020, một “phái đoàn” nhà văn đến gặp Nguyễn Thị Hoàng tại tư gia chuyện trò trao đổi. Sau đó bộ tiểu thuyết năm cuốn của Nguyễn Thị Hoàng được trong nước in lại, gồm “Vòng tay học trò”, “Cuộc tình trong ngục thất”, “Tuần trăng mật màu xanh”, “Một ngày rồi thôi”, “Tiếng chuông gọi người tình trở về”… Tối 16.12. 2020 tại Idecaf, trong khuôn khổ tọa đàm “PHỤ NỮ & VĂN CHƯƠNG” do Viện Pháp tại Vietnam tổ chức; nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng đã xuất hiện trước công chúng, lên tiếng nói… để kể lại quãng đời văn của mình: về “cái viết” nào là quan trọng nhất. Nhà văn Hoàng Kim Oanh đã có bài viết về cuộc gặp gỡ này trên Diễn Đàn Thế Kỷ. “Năm 2020, thật bất ngờ chúng tôi đọc thấy thông báo xuất bản hai tập thơ và truyện của Nguyễn Thị Hoàng: “Mây bay qua trời xưa” (thơ) và “Trên thiên đường ký ức” (văn) do công ty văn hóa New Viets phát hành. Một sự trở lại đầy ấn tượng cũng xôn xao không ít trong giới văn chương Sài Gòn.” Sau đây, để tìm hiểu cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Thị Hoàng, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Thụy Khuê được nhà văn Trần Vũ gởi tới. NGUYỄN & BẠN HỮU
Thụy Khuê
Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11-12-1939, tại Huế. Bút hiệu khác Hoàng Ðông Phương. Nguyên quán: thôn Quảng Ðiền, xã Triệu Ðại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cha là Nguyễn Văn Hoằng, công chức cao cấp trong bộ giáo dục. Học trung học đệ nhất cấp ở trường Ðồng Khánh, Huế. Năm 1957 gia đình chuyển vào Nha Trang, học trường trung học Võ Tánh.
Tại đây, xảy ra mối tình với nhà văn, nhà giáo Cung Giũ Nguyên (1909-2008) người dạy thêm Nguyễn Thị Hoàng về Pháp văn tại nhà, gây xôn xao dư luận. Gia đình kiện ông Nguyên tội dụ dỗ gái vị thành niên. Trước toà, người thiếu nữ đứng ra nhận trách nhiệm: không hề bị dụ dỗ, vị giáo sư được trắng án, nàng sinh con gái đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng, do bà Nguyên nuôi vì bà không có con.
Năm 1960, Nguyễn Thị Hoàng vào Sài Gòn học Ðại Học Văn Khoa, rồi Luật, được ít lâu bỏ dở, làm thư ký riêng cho một tỷ phú. Năm 1961, bỏ việc, dạy Việt và Anh văn. 1962 lên Ðà Lạt, dạy trường trung học Trần Hưng Ðạo; tại đây xảy ra mối tình giữa cô giáo đệ nhất cấp Nguyễn Thị Hoàng và Mai Tiến Thành, học sinh lớp 12, sanh con gái Mai Quỳnh Chi (mẹ của Thành nuôi). Mai Tiến Thành về sau viết cuốn Tiếng nói học trò, do Thụy Vũ đề tựa và Kim Anh xuất bản; sáng tác tập thơ Bi ca và nhục cảm.
Nguyễn Thị Hoàng – nguồn báo tuổi trẻ
Năm 1963, Nguyễn Thị Hoàng trở về Sài Gòn. Vòng Tay Học Trò viết tại Sài Gòn trong vòng một tháng, ký bút hiệu Hoàng Ðông Phương, gửi đăng trên Bách Khoa từ số 169 (15/1/1964) đến số 192 (1/5/1965). Tiếp đó, Nguyễn Thị Hoàng kết hôn với Nguyễn Phúc Bửu Sum, giáo sư triết, cả hai về sống ẩn dật ở miền Bình Ðịnh, Hoàng làm việc cho hãng nhuộm Sincovina ở thị xã An Nhơn.
Năm 1966, ký giả văn học Lê Phương Chi người giúp đỡ nhà xuất bản Kim Anh, tìm gặp tác giả để điều đình in tác phẩm Vòng tay học trò, sách đoạt thành công kỷ lục, tái bản 4 lần trong vài tháng. Nhưng Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Sóng gió nổi lên từ mọi phiá… Năm tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới.” (Trả lời phỏng vấn của Mai Ninh).
Trừ Nhật Tiến trong bài Sinh hoạt tiểu thuyết một năm qua (Bách Khoa số 265-266, 15/1/1968), đã nhận định đúng giá trị của Vòng tay học trò và của những tác phẩm văn học phái nữ xuất hiện trong hai năm 1966-1967.

Tác phẩm đã in
Đã in hơn 30 tác phẩm, còn khoảng 10 cuốn chưa xuất bản.
Truyện dài: Vòng tay học trò (Kim Anh, 1966), Tuổi Sài Gòn (Kim Anh, 1967), Ngày qua bóng tối (Văn, 1967), Vào nơi gió cát (Hoàng Đông Phương, 1967), Về trong sương mù (Thái Phương, 1968), Một ngày rồi thôi (Hoàng Đông Phương, 1969), Cho đến khi chiều xuống (Gió, 1969), Đất hứa (Hoàng Đông Phương, 1969), Tiếng chuông gọi người tình trở về (Sống Mới, 1969), Vực nước mắt (Gió, 1969), Vết sương trên ghế đá hồng (Hoàng Đông Phương, 1970), Tiếng hát lên trời (Xuân Hương, 1970), Trời xanh trên mái cao (Tân Văn, 1970), Bóng người thiên thu (Hoàng Đông Phương, 1971), Bóng tối cuối cùng (Giao Điểm, 1971), Tình yêu, địa ngục (Nguyễn Đình Vượng, 1971), Định mệnh còn gõ cửa (Đồng Nai, 1972), Bây giờ và mãi mãi (Đời Mới, 1973), Năm tháng đìu hiu (Đới Mới, 1973), Trời xanh không còn nữa (Đời Mới, 1973), Tuần trăng mật mầu xanh (Đồng Nai, 1973), Buồn như đời người (Đời Mới, 1974), Chút tình xin lãng quên (Trương Vĩnh Ký, 1974) Cuộc tình trong ngục thất (Nguyễn Đình Vượng, 1974), Nhật ký của im lặng (Đồng Nai, 1990)
Truyện ngắn: Trên thiên đường ký ức (Hoàng Đông Phương, 1967), Mảnh trời cuối cùng (Hoàng Đông Phương, 1968), Cho những mùa xuân phai (Văn Uyển, 1968), Dưới vầng hoa trắng (Sống Mới, không đề rõ năm), Bóng lá hồn hoa (Văn, 1973)
Thơ: Sầu riêng (1960), Kiếp đam mê (1961), Thi ca và nhục cảm (1967).

Tháng 11/1967, Nguyễn Thị Hoàng cùng chồng lập nhà xuất bản Hoàng Ðông Phương, bà cho biết: “Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những “đơn đặt hàng”. Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng một lúc… rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ, làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô héo đi. Sau một chuyến đi xa vào năm 1970 mình lấy lại được hứng khởi và phần không nhỏ cũng là vì năm đứa con, một đòi hỏi lớn về kinh tế gia đình nên phải tiếp tục viết… Do đó mà chưa có quyển nào coi như được viết từ tim óc của mình” (Trả lời phỏng vấn của Tố Tâm, Ðất Mới, số 4, bộ 2, tháng 4/1990).
Về cách viết của bà, Hồ Trường An kể: “Dàn bài khi được coi như hoàn tất; tức thời chị Hoàng đảo ngọn bút, viết nhanh như gió táp mưa sa, không thèm đọc lại những gì mình đã viết; ngòi bút của chị như cuồng lưu, như ngựa phi đường xa, lướt phom phom, không có gì ngăn cản nổi. Vậy mà chị vẫn có thì giờ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa; đảm đang việc bếp núc. Anh Bửu Sum hết vụ trốn lính, tới chuyện đào ngũ, rồi bị bắt, rồi lại đào ngũ, không làm ăn gì được” (Giai Thoại Hồng, trang 278).
Tóm lại, sau thời kỳ sống sung túc, đến giai đoạn khó khăn: Bà một mình gánh vác kinh tế gia đình, viết văn để kiếm tiền nuôi năm con đến kiệt sức. Chuyến đi xa năm 1970 mà bà nhắc đến trên đây có lẽ là chuyến sang Nhật. Xúc cảm trước bối cảnh huyền bí của cố đô Kyoto, bà đã viết tuyệt tác Tan theo sương mù (in trong tập Bóng lá hồn hoa).
Cũng trong thời gian này, bà tổ chức cho chồng trốn lính, sau đó, bị truy nã, gia đình lánh về Long Xuyên, ở một nơi hẻo lánh, lập Trại Ðá Mềm… bà chỉ trở lại Sài Gòn khoảng 1975. Sau 1975 là thời gian dài im lặng. Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện lại với tác phẩm Nhật ký của im lặng do Ðồng Nai in năm 1990.
Thêm một bài viết cố thi sĩ Du Tử Lê nói về cuốn sách 'Vòng Tay Học Trò' của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng:
Dư luận chung quanh ‘Vòng tay học trò’ và đời thường của nhân vật chính
Du Tử Lê
Mặc dù căn cứ vào cuộc phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng dành cho nhà báo Tố Tâm ở tạp chí Ðất Mới, số 4 bộ 2, tháng 4, 1990, Việt Nam thì, cả hai tập thơ mà trang mạng Wikipedia liệt kê trong danh sách tác phẩm đã xuất bản, được bà nói rõ rằng:
“…Thơ chưa in thành tập, nhưng rải rác có đăng báo. Khởi đầu năm 1960 ở Bách Khoa và từ 1961-1962 thì ở tạp chí Văn. Nhưng khi những chương đầu tiên của Vòng Tay Học Trò được in ở Bách Khoa thì tiểu thuyết là chính, thơ chỉ còn là tô điểm thế mà.” 

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. (Hình: NAG Trần Cao Lĩnh chụp)

Nhưng, có dễ trước sau thi ca vẫn là “cây bài chủ,” hay ngọn hải đăng tâm hồn họ Nguyễn. Nên khi bước qua văn xuôi, ngay tự những trang viết thứ nhất của tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò,” bên cạnh sự hấp dẫn, lôi cuốn của cốt truyện chắt, chiết từ đời thật, tác giả vẫn có những đoạn tả cảnh, tình ắp đầy thi tính như:

“…Một tiếng chim hót lên đầu cành thông gần mái nhà. Trâm nhìn ra. Vòm trời xanh mênh mông in hình nét đồi cong thoai thoải, sáng rực nắng chiều. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau ngọn đồi thấp nhất. Hình ảnh của những buổi chiều yên tĩnh, cuộc đời cô quạnh, buồn lãng mạn và nên thơ thoáng qua trong trí Trâm. Nàng chợt vừa sợ vừa thích nỗi cô đơn hiện tại (…).

“Trâm đứng lên mở rộng cánh cửa kính. Mùi thơm quen thuộc của cỏ khô và đất mới xới, lẫn với mùi dâu chín dưới thung lũng thoảng theo gió bay lên làm Trâm tự nhiên ấm áp trong lòng, tưởng như đang đời đời yên ổn sống trên đất quê hương…” (Trích VTHT, chương 1)

Hoặc một đoạn khác, ở chương 2, tác giả ghi lại, những “cảm nhận” về cậu học trò tên Minh, nhân vật sẽ sớm trở thành người yêu của cô giáo Trâm (biến thân của chính tác giả):

“…Trâm giấu nụ cười trong bàn tay vừa đưa lên che môi. Bây giờ, bọn học trò chăm chú vào công việc, không nhìn lên nàng nữa. Trâm tự do, dễ chịu, tha hồ nhìn xuống, quan sát từng đứa để ‘trả thù’ bị nhìn lúc mới vào. Vài đôi mắt nhìn ra cửa sổ. Trâm nghĩ, thế nào cũng có thông reo gió thổi. Có đôi mắt nhìn sững vào khoảng không hay trên vách tường trống trải. Có cặp mắt sáng rỡ nhìn lên như vừa bắt gặp một ý tưởng, một hình ảnh thần tiên nào đó đang chiếu vào khoảng tâm hồn u tối. Có cặp mặt đăm đăm nhìn xuống tờ giấy trắng như chờ mong những hàng chữ bỗng nhiên hiện hình theo phép lạ.

“Cuối cùng, Trâm nhìn xuống chỗ Minh ngồi. Cậu bé đang lơ đãng chống tay vào má nhìn lên phía nàng. Cây bút xoay tròn tinh nghịch trên mấy ngón tay trắng nhỏ. Nàng mỉm cười thật nhẹ như thầm nhắc, sao em không viết gì đi. Minh mỉm cười yên lặng. Nụ cười nửa đầm ấm bắt gặp vẻ quen thân trong xa lạ, nửa ngại ngùng bối rối muốn lẩn trốn, che giấu chính mình và những ý nghĩ mình trước đôi mắt dò xét và phán đoán của kẻ khác. Rồi đôi mắt Minh cúi xuống. Ngòi bút loay hoay trong tay, bây giờ bị cắn nhẹ giữa hai hàm răng đều và nhỏ. Minh vò một mẩu giấy nhỏ vứt xuống đất, giở trang giấy khác, nhưng không viết gì được. Trâm biết Minh muốn đứng lên, chạy bay ra khỏi phòng, chạy thật xa cái nhìn xoi mói của nàng. Nhưng Trâm cứ nhìn như kẻ đi săn nhìn con thú lúng túng tìm cách thoát thân khỏi cái bẫy của mình… 

Ðược biết “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng trước khi in thành sách, đã được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, Saigon, 1964. Ngay khi còn ở dạng truyện đăng nhiều kỳ, VTHT cũng đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ thời điểm đó. Nhưng mãi tới năm 1966, tiểu thuyết này mới được in ra. Và đó mới là thời điểm “cơn bão VTHT” đạt tới đỉnh điểm cao nhất của hân hoan đón nhận và, cùng lúc cực lực lên án.

Giải thích về sự chậm trễ này, trong cuộc phỏng vấn dành cho Mai Ninh, họ Nguyễn cho biết:

“Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Ðến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.

“Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Ðã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.
“Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy…”
 (6)

Trước đấy, cũng trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Tố Tâm, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nói:

“…Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là… phải thản nhiên…” (7)

Tuy nhiên, trong một bài viết được phổ biến vào cuối năm 2012, tác giả loạt bài “Hồi Ức Một Ðời Người,” Nguyễn Ngọc Chính, cũng là bạn thân với người học trò tên Minh (tức Mai Tiến Thành ngoài đời), đã ghi lại như sau:

“…Tác giả (NTH) xác định một cách nửa vời về ‘Vòng Tay Học Trò’:… nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế’. Như đã nói, những nhà văn nữ thường ‘tự thuật’ về cuộc đời mình và chính những kinh nghiệm bản thân khiến tác phẩm của họ dễ đi vào lòng người đọc. Dĩ nhiên việc ‘thêm mắm thêm muối’ còn tùy thuộc vào sự khéo léo của mỗi đầu bếp để có một món ăn ngon hay dở.”

“Vòng tay học trò là câu chuyện có thật tại trường Trần Hưng Ðạo Ðà Lạt giữa cô giáo đệ nhất cấp Nguyễn Thị Hoàng và cậu học sinh đệ nhị cấp Mai Tiến Thành. Tôi vốn là bạn học rất thân với Thành từ năm Ðệ Ngũ trên Ban Mê Thuột nên biết rõ chuyện tình của Thành. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngoài đời thực có phần nào khác với Vòng tay học trò, đó là kỹ thuật ‘thêm mắm thêm muối’ của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Nói khác đi, phần hư cấu trong tiểu thuyết được giữ ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được.”

“Hình như để giữ cho mối tình cô giáo-học trò thi vị hơn, tác giả đã để cho cuộc tình chấm dứt tại Sài Gòn và không đả động đến hậu quả của nó: một đứa con đã ra đời. Ðứa bé được đặt tên Mai Quỳnh Chi, giao cho gia đình Thành nuôi nấng tại Ban Mê Thuột và ngày nay đã trở thành một thiếu nữ sống tại nước ngoài. Mai Tiến Thành đã trở thành người thiên cổ tại Hoa Kỳ và câu chuyện tình làm nên tác phẩm rồi cũng đi vào quên lãng…”

No comments:

Post a Comment