Friday, September 27, 2024

Vòng Tay Học Trò - Chương 6 - Nguyễn Thị Hoàng

Những binh sĩ tí hon chiêu mộ từ Trạm Hành, Trại Mát, Cầu Đất và một vài thôn ấp khuất tịch xa xôi của Đà- Lạt kéo nhau về tụ tập trước cửa trường học, dướichân đồi cỏ ngọc còn lấp lánh sương trinh. Mỗi người mang theo đầy đủ vật thực dụng cụ cho một ngày đường xa nắng gió. Bọn người vô trật tự chỉ gồm khoảng bốn năm chục đầu, dàn ra khắp đường, rùng rùng kéo tới bủa vây nhà cô giáo.
Tuân đứng trên lầu nhìn xuống quan sát tình hình rồi quay vào phòng reo ầm ĩ:
- Chúng nó đến rồi kìa cô.
Trâm tung chăn ngồi nhỏm dậy. Cơn mệt sau đêm không ngủ bải hoải cả thân hình. Nàng nhìn đồng hồ tay rồi uể oải buông mình xuống nệm, kéo mền lên tận cổ:
- Bọn nhóc con làm quái gì mà kéo đến sớm vậy. Bảo tám giờ khởi hành. Bây giờ mới bảy. Tuân ra cầm cự với chúng nó đi. Còn sớm quá, sương dầy đặc biết lối nào mà vượt qua thung lũng.
Chị Trúc choàng thêm áo, ra cửa nhìn xuống đường:
- Thôi dậy sửa soạn đi cô, chúng nó gào thét dưới kia kìa.
- Hứa lỡ với chúng nó một lần, ngày nào vào lớp cũng bị như đòi nợ, đành phải đem đi một lần cho xong. Giá trước kia mà đi với chúng nó vui biết chừng nào, hôm nay có chị lên lại không được ở nhà.
Thực ra, Trâm chán chuyện đi cắm trại với học trò, muốn ở nhà, không phải vì chị Trúc, mà vì Minh. Không còn tự dối mình mãi được, Trâm phải nhận rằng cơn bệnh tình cảm đã đến hồi trầm trọng và sự hiện diện của Minh biến thành một thói quen, một cần thiết hiển nhiên không thể thiếu vắng. Nhưng Trâm cũng thẳng thắn hiểu không bao giờ mình có thể vượt qua biên giới để chiếm đoạt vũ trụ ngăn cấm bên kia. Không phải nàng sợ hãi hay e ngại, nhưng nếu thế, con đườg sẽ dứt nẻo tức khắc và tất cả sẽ đổ xuống như một bầu trời tan vỡ. Sau đó sẽ là khoảng trống. Khoảng trống ảm đạm của một sân khấu sau khi tấn kịch chấm dứt, và màn buông xuống. Không còn gì hơn sự chán ngán và hoài nghị Ảo tưởng về cái đẹp đích thực và tuyệt đối trên đời cũng mắt. Cho nên Trâm dừng lại, để khoảng cách vừa đủ cho một khát vọng ẩm ỉ khơi nguồn, và bằng lòng với hao hụt thiếu thốn để còn nuôi dưỡng được trong lòng một rung động, một ước mơ nào đó. Nếu cả hai người—nàng và Minh—đều đồng ý nhận chịu khoảng cách đó, nếu cuộc đời cứ thế trôi đi, nếu tâm hồn vẫn mãi là một cánh đồng hoa thơm ngát, Trâm nghĩ mình có thể sống mãi mãi như thế, và nguồn tình êm ái mơ hồ đó sẽ không bao giờ cạn vơi. Không cần gì cả, ngoài sự hiện diện của một người. Có một người để âu yếm gọi tên. Một bước chân quen để chờ đợi mỗi chiều về. Một khuôn mặt làm gương soi cho cảm xúc mình phản chiếu. Thế thôi. Không giao nối. Không gởi trao, không được gì để chẳng bao giờ phải mất.
Khi Trâm ra đến cửa, bọn học trò từ trên đường đổ ào xuống hò reo như ba quân đón chào nữ tướng.
Thấy cô giáo khác hẳn mọi ngày, lũ học trò nhốn nháo vây quanh không chịu sắp hàng. Trâm vớ lấy một cái gậy dài của thằng đầu đoàn, gàng xuống chân những đứa không chịu sắp hàng hai. Một đứa tháo giày tung lên đầu rồi nhảy nhót lên đưa tay bắt:
- Thưa cô, đi chơi sắp hàng làm gì.
- Chơi trong vòng trật tự.
- Trật tự mất vui, cô!
- Ừ, nhưng đi trên đường của thiên hạ, mình phải giữ trật tự cho thiên hạ. Muốn vui thật, phải chờ đến chỗ của mình tìm ra. Sau rừng kia có thung lũng bỏ hoang. Ai biết đường, đi trước.
Hàng người ngoằn ngoèo chen lấn vượt lên trên. Trâm dẫn đầu, gõ gậy xuống đường theo nhịp đi, thỉnh thoảng quay lại xem có đứa nào đào ngũ, đánh lộn hay phản loạn gì không. Những thằng trong lớp lầm lì ngồi thộn mặt suốt giờ cũng lí lắt cười nói. Khuôn mặt nào cũng nao nức như sắp sửa tìm thấy một cái gì tuyệt diệu cuối con đường. Một đứa bỗng hứng chí cất tiếng hát. Cả đoàng thản nhiên hòa điệu hát theo. Tiếng Trâm cũng không kìm giữa nỗi, vang lên lanh lãnh, giang hồ không bờ không bến, đẹp ngạc nhiên như kiếp Bô- ê- miên… Tiếng hát của bọn học trò chợt ngạc nhiên nhỏ xuống một giây rồi vỡ ào lên, nao nức và say xưa, Trâm nghe như âm vang ca khúc ấu thời của mình mười năm trước.
Tiếng hát tươi vui rút ngắn con đường nắng. Đoàn người dừng ở một ngã ba và Trâm chỉ ngọn đồi cao nhất trước mặt cho bọn học trò đổ bộ leo lên.
Một đứa hỏi:
- Sau đồi đó có gì thế cô?
- Không biết. Biết rồi đến làm gì. Các em không thích tìm một miền xa lạ và làm chủ ở đó sao?
- Thường thường mấy thầy cho chúng em đi những chỗ biết rồi.
Trâm để chiếc gậy dài thẳng đứng trêu đầu ngón tay:
- Thế sao không đòi mấy thầy đưa đi?
- Không vui bằng đi với cộ Cứ học trò con trai thì đi với thầy, năm nào cũng vậy. Tụi em muốn lạ, muốn thay đổi.
Trâm vui vẻ chỉ cái gậy lên đỉnh đồi:
- Tiến lên đi các đồng chí!
Bọn oắt con lẹ như sóc, một thoáng đã đứng trên đỉnh đồi trông xuống. Lên đến lưng chừng đồi, Trâm dừng lại nhìn quãng đường dốc đứng vừa vượt qua, hai chân rã rời sắp quị xuống giữa vùng cỏ sắc ẩm ướt. Một đứa la lên:
- Cô chờ anh Tôn chúng mày ơi!
Tôn là thằng học trò lớn nhất trong lớp. Nhưng không phải vì Trâm chú ý nó to xác. Nó có cái gì đặc biệt lạ lùng giữa đám bạn bè lóc chóc ồn ào. Ít nói, vẻ lặng lẽ trầm tĩnh nhuốm một chút dửng dưng, hững hờ, lạnh nhạt và hoài nghi buồn rầu nữa. Ngồi trong lớp, tâm chí Tôn như lạc loài bay bổng đi đâu. Mỗi lần điểm danh, Trâm gọi hai ba lần, cả lớp nhôn nhao lên cười, nó vẫn đăm đăm tỉnh khô nhìn ra cửa sổ hay cúi mặt xuống bàn, táy máy kẻ một chữ vô hình nào đó. Suốt giờ học, Tôn ngồi thẳng, chăm chú nghe giảng bài hay cẩn thận ghi chép, nhưng những công viẹc đó hình như chỉ có một phầm mười tâm trí dự phần. Mỗi lần Trâm gọi đọc bài, nó vội vàng và rụt rè để quyển vở lên bàn, cố tránh không nhìn mặt Trâm ngay cả khi nàng hỏi. Đọc xong, Tôn đi như chạy về chỗ, cúi đầu xuống mặt bàn, mái tóc rũ che từ trán xuống mắt và cả khuôn mặt đỏ bừng như hơ lửa. Những dáng điệu đó hồn nhiên ngộ nghĩnh và có gì khác thường của thằng học trò làm Trâm nhiều lúc chợt có ý hỏi ngay nó điều nàng muốn biết. Nhưng mỗi lần gọi Tôn lên bàn, lưỡi nó như líu lại, lắp bắp không ra lời, và Trâm vừa xuống gần đến bàn nói, đã thấy mấy ngón tay Tôn run run bám chặt vào mép vở. Lũ bạn bè cũng nhận ra và trêu chọc Tôn mỗi ngày một quái ác. Một hôm Trâm đặt câu hỏi về giảng văn. Nhiều đứa đưa tay trả lời. Trâm chỉ một đứa, thằng Dư thông minh và lấu lĩnh. Nó đứng dậy, rồi giữa lúc cả lớp và cô giáo lắng nghe. Dư buông một câu lạc đề động trời:
- Thưa cô, anh Tôn đẹp trai ạ!
Cả lớp nhảy lên đấm bàn đấm ghế ầm ầm. Trâm không phạt, không mắng, không cho số khôong, chỉ yên lặng cười và để yên vụ đó, gọi đứa khác.
Tôn đi một mình, lóp ngóp bỏ lên đến gần chỗ Trâm đứng. Thấy cô giáo, nó giấu biến cái khẩu cầm vào túi quần rồi chạy lên nhập bọn với đám đông. Đứng trên cao còn nhìn xuống con đường ngoằn ngoèo phía dưới, không đứa nào chịu cắm trại, đòi đi xa hơn nữa. Đoàn người băng thung lũng, đi sâu vào vùng đồi thông trùng điệp bên kia. Đến nơi, Trâm chỉ còn bó chân ngồi nhìn bọn nó cắm trại.
Lạc loài giữa một đám trẻ con huyên náo, tự nhiên Trâm nhớ nhà, nhớ phòng khách có lò sưởi, cái thang lầu gỗ đen, những tiếng nói cười, những bước chân lên xuống quen thuộc hàng ngày. Như đã lâu lắm, Trâm không về nhà đó. Buổi đi chơi bỗng trở thành một bổn phận nặng nề chán ngán. Bỏ mặc chúng nó loay hoay đóng cọc, giăng dây, Trâm lững thững xuống đồi, đi sâu vào thung lũng, lần về phía con suối uốn quanh giữa hai bờ cỏ sắc điểm trắng màu lan dại. Nhưng học trò đã cắm trại xong, đỗ ào xuống, đòi Trâm lên xem. Chúng nó bày sân banh quanh trại, chia phe giao đấu. Ngồi yên dưới bóng cây một lúc lâu, Trâm buộc khăn quàng vào cành thông rồi đứng phắt dậy, đứng chờ. Thằng trứ cao giò gàng chân thằng Lai, thằng Năng lùn tịt chận được banh, bất ngờ đá móc về đàng sau. Trái banh lăn tròn trên cỏ, về phía cô giáo. Trâm sẵn chân không, đá hất thật mạnh về đàng trước. Trái banh lao ngược vào mặt thằng giữ gôn đang ngồi nhấp nhổm đàng kia. Cả bọn la lên ào ào đòi Trâm cùng chơi. Trâm xăn tay áo đứng vào giữa hai phe cầu thủ:
- Đá thì đá, chia phe đi.
Có tiếng đứa nào cười lớn trong đám đông:
- Coi chừng cô đá bay cả ngọn đồi này bụi bây ơi.
Trâm đá và chận banh rất hăng. Nhưng đến lúc cả bọn túm lấy nhau, gàng chân, huých tay để lừa chộp banh, Trâm đột ngột nghĩ đến khoảng cách giữa học trò và cô giáo, nhuệ khí bỗng tiêu tan, dùn chân lại. Đang dùng giằng, hai thằng oắt con đã dúi vào nhau, giành trái banh dưới chân Trâm, và chúng nó ngã vật xuống. Trâm vừa ngã sấp, chưa kịp gượng dậy, bỗng cả khối nặng của năm sáu đứa học trò đang gàng bắt, quật túi bụi ập lên trên người. Cười đến ngất đi không ngóc đầu lên nổi, nàng nghe tiếng la hoảng hốt của thằng Thiên từ phía trại:
- Buông ra, tụi bây ngã lên cô rồi.
- Chạy đi, đồ quỉ sứ, tụi bây đánh cả cô đó hả?
Trong cơn hoạn nạn, Trâm vớ được trái banh trườn mình lên, và cái khối nặng trên lưng lúc đó cũng vừa được nhất bỗng lên, giản ra, biến theo những tiếng chân chạy tán loạn. Khi cô giáo ôm trái banh đứng dậy được, bọn học trò dàn ra chung quanh thành vòng tròn im phăng phắc. Có đứa không nhịn được, cười rúc rich. Có đứa đạp chân phình phịch xuống cỏ như ngựa sắp lên đường. Một vài cặp mắt lấm lét nhìn Trâm.
Cố nín cười, Trâm gọi:
- Đội banh đâu rồi, ra đây.
Không ai dám nhúc nhích.
- Một người trên lưng, một người trên cổ, một người trên đầu tôi, và hai người chồng lên ba người ấy là năm. Mời quí vị ra đây. Mau lên. Ra ngay đây.
Một giọng rụt rè:
- Thôi cô, tụi em lỡ ra. Tại trái banh, tại thằng Trứ gàng tụi em mới nhào xuống.
Thấy cô giáo vẫn đứng yên, lừ lừ nhìn một lượt hết vòng tròn học trò xung quanh, một vài đứa cố van nài:
- Thôi cô đừng phạt tụi em đi cộ Tụi em lỡ ra…
- Tôi bảo, mấy người đó ran gay đây.
Năm đứa nhìn nhau rồi lẳng lặng ra khỏi hàng ngũ đến trước mặt Trâm đầu hàng. Cả bọn lặng yên chờ cử tội. Vòng vây xung quanh hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của Trâm. Nhưng cô giáo đẩy năm tội phạm ra làm hai phe, từ từ đặt banh xuống chân và đột ngột tuyên bố:
- Đá nữa.
Trái banh tung lên giữa những trận cười khoái trá của bọn học trò.
Xong bữa cơm trưa tập thể đạm bạc, Trâm đang nằm nghĩ dưới bóng một gốc thông non trên chót vót đỉnh đồi thì tên canh gác hộc tốc như chạy mã tà rượt đến phi báo:
- Thưa cô, thưa cô có người lạ đến.
- Mấy người?
- Dạ, có một người.
Mấy thằng học trò đứng vây quanh săn tin tức, bàn góp:
- Chắc là một sứ giả nào đó.
- Quân do thám…
- … Trưởng ban ám sát.
Trâm nhỏm dậy, mắt không rời đám mây cao như núi tuyết đóng lại trên đỉnh trời chói nắng:
- Tên đó ra sao?
- Dạ, choai choai. Nhỏ, gầy, chạy nhanh như hươu.
- Hắn đi bằng gì lên đây?
- Dạ hình như xe gì nổ pạch pạch có khói phun đàng sau đọ Hăng cho xe phóng thẳng lên sườn đồi và đang chạy về phía trại mình.
Trâm đứng dậy vất cái áo choàng trên cỏ lững thững đi vòng sau trại nhìn xuống:
- Có ai đâu nào.
Mấy đứa học trò chỉ tay quanh quất:
- Dạ, đúng quân gian rồi, nó biến đâu nhanh quá.
Từ dưới suối, bọn lâu la vừa tắm vừa reo hò inh ỏi. Phe trên này nóng lòng muốn sát nhập với nhóm dưới kia:
- Thưa cô, cho tụi em xuống suối.
Trâm muốn ở lại để chờ tên gian ban nãy xuất đầu lộ diện, nhưng cả bọn không chờ lệnh đã kéo nhau rùng rùng chạy xuống sườn đồi dốc đứng, băng qua thung lũng, lượn vòng xuống bờ suối.
- Cô xuống xem tụi em làm xiếc đi cô.
Trâm tháo giày, nhìn những cánh tay nhỏ xíu vẫy gọi dưới kia và băng băng chạy xuống. Qua thân cây nhỏ bắc ngang dòng suối lục, Trâm tìm một gò đất cao, cỏ mướt dày như nệm nhung, duỗi chân ngồi nhìn bọn học trò nô đùa dưới suối. Chúng nó chia hai phe đứng dàn ra hai bên bờ. Một sợi dây thong lớn một đầu thả lửng lơ dưới nước, một đằng buộc vào lưng thằng học trò mập ú cởi trần đứng bên kia bờ. Bỗng một tiếng la: "nhào" thét lên và một thằng lẹ làng nhảy xuống suối. Nó lặn sâu xuống, nhả ra một mớ bọt cái, ngoi đầu lên, một tay đưa lên chào và tay kia nắm chặt lấy đầu dây thong. Bên kia bờ có tiếng hô kéo và thằng học trò bị buộc dây vào lưng giậm chân thình thịch như ngựa sắp phi nước đại. Rồi nó cất vó chạy như biến về phía trước. Dưới suối, tên học trò bắt đầu nằm ngửa, hai tay buông thõng lên trên đầu túm lấy sợi dây, mặc cho thằng bạn trên bờ chạy toát mồ hôi kéo, nó phây phây nhìn lên vòm trời sáng rực trong biển nắng. Chúng nó thay phiên nhau, lần lượt hết đứa này đến đứa khác nằm dưới suối để được kéo đi. Và mỗi lần chiếc thuyền người vào đến bờ, những tiếng hò reo cất lên, gửi niềm vui thơ dại vào hoang vu của gió lũng mây đồi.
Trâm ngồi tì tay vào má, nhìn xuống lũ trẻ con nô đùa dưới kia, lòng nao nao gợn lên những xúc cảm hồn nhiên của một thời ấu thơ huyền diệu. Khu vườn ở quê nội chập chờn ánh trăng và bóng lá những đêm mùa hạ. Tiếng chày giã gạo nhịp nhàng vang vang theo tiếng hò. Mùi mít chín phảng phất thơm lẫn với mùi nồng nồng của đuốc nhựa thông bùng cháy.
Bao nhiêu năm qua rồi, Trâm không dám đếm, sợ nhìn vào sự thực tàn nhẫn của thời gian. Nhưng những ảnh hình hồn nhiên tươi đẹp cũ lắng chìm trong tâm tư mỗi khi thèm vui tiếc đời, thương về tuổi thơ đã mất, Trâm lại bàng hoàng nghe từng loạt hình ảnh đó dào dạt trôi về ký ức, như những loạt sóng lìa bờ xô đuổi ra khơi rồi lại trở vê bờ vuốt ve xoa dịu dãi cát cô liêu dưới mặt trời nung nấu.
Hôm nay ngồi trong hoang vắng, Trâm quên đường về thành phố, quên hiện tại chán chường, quên những ưu tư não nuột trong lòng mình, nhìn lũ học trò bé bỏng nô đùa với nhau, Trâm thấy hiện lên từng khuôn mặt ngơ ngác, bé thơ của thời tuổi nhỏ. Nàng chớp mắt rất nhẹ và một giọt nước mắt cảm động nhỏ xuống vỡ tan hình ảnh bé Trâm lên sáu mũn mĩm ngày xưa. Rồi tất cả chao lượn, trôi về xa tít như những cánh chim trắng mờ dần ở chân trời sương khói hoàng hôn.
Trong một phút nhớ về quá khứ êm đềm, Trâm tiếc xót xa đời mình và lòng chợt dội lên những ước ao thầm lặng: được trẻ thơ, được trong sạch, được dịu hiền trở lại, dù chỉ trong một năm, một tháng, một ngày rồi thôi, rồi lại trở về cho mắt nhìn xuống vực sâu thăm thẳm của nỗi buồn hon héo cũ. Phút giây Trâm bỗng khám phá vì đâu, lòng mình thay đổi, nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn, mong manh êm ái hơn, từ ngày có Minh đến ở trong nhà. Niềm tiếc đời và nỗi khát khao trở về với thời trong sáng cũ bắt Trâm tìm kiếm, thiết tha tìm kiếm một cái gì đó, cái gì vô tội, hồn nhiên, trẻ dại, cái gì đó, cái gì có mãnh lực thu hút Trâm vào một thới giới khác, trong sáng và huyền ảo hơn, nên thơ và vĩnh cửu hơn cái thế xô bồ, náo loạn trong xa hoa, trong giả tạo, trong những cơn lốc đam mê vội vã mà nàng đã khước từ trốn tránh để về đây. Minh hiện đến trong đời Trâm như một biểu tượng hoàn toàn cho những bước chân vu vơ tìm kiếm đó. Nàng đã gặp ở Minh không những một phần tuổi nhỏ của mình đã tàn phá theo năm tháng, mà còn một tâm trạng mênh mang khắc khoải giữa cuộc đời.
Nhưng còn cớ điều gì hơn thế nữa. Ở mỗi người đàn bà cô đơn, dù là cô đơn tình nguyện, đều có một cái gì thừa, một cái gì thiếu ở trong cùng thẩm tâm hồn u uẩn, trong cùng thẳm trái tim hoang vu như bến bờ không nguôi chờ đợi một con tàu, một ngọn sóng, một dấu chân qua hờ hững thờ ơ nào đó. Thừa tình thương và cũng thiếu tình thương. Tình thương đó không phải chỉ là tình yêu, mà tổng hợp của nhiều cảm xúc không tên, dịu dàng đằm thắm mà cũng nồng nàn say đắm nữa. Đôi tay chợt chới với giữa khoảng trống không khi chiều xuống chậm. Cái nhìn chợt buồn rầu lặng lẽ in hình ảnh giấc mơ nào không thành tựu bao giờ. Đôi môi gợn buồn cúi xuống làn da se sắt của bàn taỵ Khuôn mặt não nùng úp xuống mớ tóc dài vướng rối những đêm khó ngủ. Đó là những cơn bão loạn âm thầm đánh thức giác quan của người đàn bà. Và người đàn bà muốn nâng niu muốn ấp ủ, muốn nuông chiều một ai đó, dù chỉ là hình bóng. Thứ tình đó nhẹ nhàng, phảng phất mà sâu kín bùi ngùi như tình mẹ con, tình chị em, tình vợ chồng pha lẫn. Thứ tình đó mơ hồ vẳng lên trong lòng Trâm những chiều gió mưa Đà- Lạt, và nàng nhận ra mình còn cả một quãng đường tương lai xa tắp để ngập ngừng những bước tìm yêu, đòi yêu và được yêu, dù cuối cùng của mỗi tình yêu rồi cũng chỉ là vực sâu, biển thẳm, non mù heo hút…
Trâm thường có những phút giây giằng đặc đắm chìm vào ý nghĩ mông lung như thế. Những phút hồn đi rất xạ Thể phách chỉ còn là hương hơi tụ đọng, là hồn ma bóng lá. Ngoại giới bỗng lung linh trong suốt như một phiếu thủy tinh ngăn chia người suy tư và cuộc đời thực thế. Những phút má tất cả như rơi chìm vào hư không, chỉ còn tiếng gió vi vu cuốn theo những ảnh hình trầm trầm ẩn hiện chạy dài suốt con đường ba trạm tương lai, hiện tại, quá khứ, như chuyến tàu tốc hành băng qua đồng luau bình yên, chở nặng bao hoan lạc, đau buồn, hoài niệm. Trong cơn mơ tưởng mê hoang đó, Trâm mơ hồ cảm thấy có người đến bên mình, ngồi xuống. Như cái bóng nhẹ nhàng, hư ảo, không gợn lên trong lòng nàng một cảm xúc nào, trong dáng điệu nàng một phản ứng nào. Có thể là một đứa học trò dưới suối lên vừa mặc áo ngồi phơi nắng. Có thể một đứa vừa ở rừng lan về, đem hoa đặt bên cạnh nàng rồi lẳng lặng bỏ đi. Nghĩ đến cành hoa tím óng mượt nõn nà thơm ngát mùi cỏ dại và đất ướt, Trâm quay nhìn lại. Và một thoáng, một thoáng chớp mắt của thời gian, tâm trí chất đầy hoài niệm, hình ảnh của Trâm vỡ tung ra. Nhưng đợt sóng ào ạt dâng lên bến bờ đâu đó theo cơn nước lũ. Rồi tiếng kêu của nàng bật lên, ứ nghẹn:
- Trời ơi, Minh!
Từng chòm hoa nắng lả tả rơi xuống dòng suối biếc lấp lánh dưới kia. Trâm tưởng mình lao đao ngã xuống chìm lấp trong đáy nước. Minh gỡ một cọng cỏ khô vướng trên giày, ném xuống dòng suối trôi lặng lờ trong nắng, nhẹ nhàng hỏi Trâm:
- Em ngồi đây lâu lắm, cô không biết sao?
Miệng Trâm cười bát ngát niềm vui:
- Không, nhưng biết cũng không tin.
- Sao vậy cô?
- Làm sao em biết tôi đến thung lũng nầy?
- Ban sáng em nhìn thấy đoàn quân của cô đi về hướng này. Trưa em cứ theo dấu mà tìm.
- Dấu gì?
- Không có dấu gì cả. Nhưng khi đi về phía này, có cảm tưởng là đi trên con đường cô đã đi qua.
- Mỗi người có một lối riêng chứ. Vì mỗi người nghe theo một nhịp điệu để dấn thân tiến tới.
- Cô nói gì vậy?
- Không.
- Phải rồi, em có nghe, nhưng không phải nhịp điệu mà tiếng gọi…
- Tiếng gọi nào?
- Tiếng gọi từ thung lũng này. Cô có gọi em không? Em nghe như cô gọi em văng vẳng và em đi tìm.
Trâm vụt nhớ tới tiếng gọi thầm "Minh ơi" khi nàng bắt được con chuồn chuồn cánh đỏ ở dưới suối và khi ngồi một mình giữa rừng lan bát ngát sớm naỵ Nàng sửng sốt nhìn đăm đăm vào hai con mắt trong sáng của Minh và nhận ra mình chưa bao giờ nhìn một người nào như thế.
- Em có nghe tôi gọi sao?
- Có… hay là em tưởng tượng như vậy?
- Nếu ở xa, thật xa em tưởng tượng như vậy làm sao tìm đến?
- Em sẽ làm chim bay.
- Ừ, một ngày kia em cũng sẽ là chim. Em biết cái gì có cánh không? Tình yêu.
- Vậy tình yêu là một loài chim?
- Ừ, nhưng chim vỗ cánh còn bay về, mà tình yêu đã vỗ cánh thì bay đi, bay đi mãi…
Tự thấy mình lạc đề, Trâm đổi dĩa:
- Minh đến đây, chị tôi biết không?
- Không. Nhưng em phải về trước. Chốc nữa em trở lại.
Minh không trở lại một mình, mà với hai thằng bạn. Chúng nó đứng dưới chân đồi, Minh đi vòng xuống suối tìm Trâm. Bọn học trò đã tản mác trong rừng lan hay tìm chỗ ngủ dưới rặng thông non bên kia đồi. Tìm quanh quất không thấy Trâm đâu, Minh gọi ầm ĩ. Ngồi vắt vẻo trên một cành thông cao, cách xa chỗ bọn học trò. Trâm nhìn xuống thấy Minh, cố im hơi nín tiếng. Khi Minh đi qua ngang dưới cây, Trâm ngắt một cành thông non ném xuống đầu Minh, cười khanh khách.
Minh vít một cành thông đánh đu người, trèo lên. Trâm kêu lên cuống quit:
- Đừng, xuống đi Minh.
Minh không nghe, thoăn thoắt vít cành này sang cành khác như vượn, một thoáng đã níu vào cành cây Trâm ngồi. Vẫn cặp mắt đen, vẫn đôi môi hồng ướt, vẫn mái tóc bồng bềnh biếng chải, nhưng Trâm không thấy Minh như mọi ngày nữa. Bỗng nhiên nàng có cảm tưởng như đang chạy trốn, bị rượt bắt đến đường cùng. Nàng nhìn lại Minh và hoảng hốt buông tay, nhào xuống.
Minh cũng nhào xuống theo như một trái mít rụng. Cái ngã đau làm Trâm bừng tỉnh nhìn vế phía học trò. Một vệt khói xám bay lên từ thung lũng bên kia. Bọn học trò chạy tán loạn, lếch thếch ôm những cỏ khô, cành thông bồi thêm vào đám cháy.
- Trời ơi, chúng nó đốt rừng.
Ngọn lửa theo gió, lan dần ra phía bờ suối.
Minh đứng nhổm dậy:
- Em xuống bảo chúng nó dập tắt lửa.
Minh sắp chạy, nhưng Trâm đột ngột kéo tay áo Minh:
- Đừng. Không sao đâu. Mặc chúng. Tôi thèm đốt cả Đà- Lạt.
Thấy lửa, hai thằng bạn đi theo Minh chạy lên theo. Nhưng chỉ một thoáng, hết những cỏ khô, lá thông, đám cháy rạp dần rồi tắt hẳn.
Thằng bạn Minh giục:
- Đi, mày.
- Sớm mà.
- Hẹn rồi, chúng nó chờ.
Hẹn hò, chờ đợi. Với ai Trâm nhìn Minh dò xét.
- Cô cho em đi với tụi nó, tối về.
Trâm bẽ cành thông ném xuống đất:
- Tùy.
Thấy Trâm chợt hờn dỗi, gay gắt, Minh ngơ ngác một lúc rồi đưa chìa khóa xe cho Trâm:
- Cô không bằng lòng thì thôi, em không đi nữa.
- Chiều thứ bảy thuộc về các cậu, tội vạ gì không đi chơi.
- Em đi chơi gì đâu nào, Billard là cùng.
Trâm nghĩ đến lũ con trai ăn mặc kỳ cục lối lăng, dáng điệu lừng khừng ngổ ngáo tụ họp ở những phòng Billard chật chội vừa chơi vừa liếc ra đường, thấy bóng con gái là chéo hai ngón tay lên môi, huýt một cái. Minh cũng lủi vào đám du côn đó, thấy bất cứ một ai thoáng qua cũng huýt. (Không khéo có hôm mình xõa tóc đi ngang, nó cũng huýt luôn…)
Có cái gì sôi sục lên trong lòng Trâm. Nàng quên cả bọn học trò dưới kia nhìn lên, quên vai trò mình đang đóng, quên khuôn khổ cuộc đời đã hạn định, tiến lên một bước. Rồi bất ngờ, nàng dang tay tát mạnh lên mát Minh. Tiếng hét tắt nghẹn ở nửa chừng:
- Đi đi, tôi bảo đi ngay đi!
Minh sững sờ nhìn Trâm rồi xoay người, chạy băng xuống sườn đồi như lao mình vào một biển lửa. Từ đó, Trâm ngồi bất động im lìm như một cái xác không hồn. Lũ trẻ hết trò chơi, người chỉ huy cũng bại trận, cho nên mới bốn giờ chiều Trâm đột ngột ra lệnh hạ trại, bọn binh sĩ tí hon hưởng ứng ngay.
Một thoáng, ngọn đồi chỉ còn những vùng cỏ chơ vơ bẹp dí những dấu chân dày xéo. Nhìn bãi đất trống xác xơ như một chiếu bạc tàn, lòng Trâm chùng xuống trong một nỗi ngao ngán mênh mông. Thân thể rã rời, Trâm leo lên sườn đồi, lảo đảo chực ngã. Bọn học trò đã vượt lên trước đứng trên cao nhìn xuống, bàn tán với nhau rồi xuôi theo dốc chạy xuống. Cả bọn nhào lại tháo cuộn dây thong dài quấn chặt mấy vòng ngang lưng cô giáo, rồi sắng hàng chữ nhất, mỗi đứa níu chặt hai tay vào dây kéo lên. Trâm trơ lì như một tảng đá, mặc cho chúng nó kéo lên dọc theo sườn đồi dốc đứng. Lên đến đỉnh đồi, chờ tụi nó tháo dây xong, Trâm ngồi phịch xuống cỏ nhìn con đường về xa tắp quanh cọ Không còn dấu vết gì của Minh chưa đến một lần, như suốt cả ngày nàng không thấy Minh, tự nhiên Trâm chán ngán, buồn rầu và muốn khóc. Thấy cô giáo ngồi rũ rượi, một đứa học trò la lên, khoát tay cho cả đám nhóc con tiến lại.
- Vua bị thương rồi, tụi bây ơi.
Trâm gượng cười, đóng nốt màn kịch bất đắt dĩ.
- Trẫm đuối sức rồi, các khanh mau đưa Trẫm về cung.
Trâm cúi xuống lòng mình thầm như nhủ: ừ, mình bị thương. Đời mình thêm một vết thương. Nhưng vô lý, vô lý quá…
Sự xuất hiện bất ngờ đột ngột như khuôn mặt của định mệnh. Tuấn bàng hoàng im sững một lúc lâu rồi lùi khuất sau cánh cửa của đoàn tiếp viên phi hành, cho những hàng ghế chao trọng, những hành khách lặng lẽ lùi lại phía sau. Nhưng chàng vẫn thấy, vừa rõ ràng vừa huyền ảo, khuôn mặt đó, như một hóa kiếp kỳ diệu, phảng phất vẻ dịu dàng đằm thắm của một người đàn bà và niềm vui xao xuyến của trẻ con, trên đôi môi chợt hé một nụ cười vào khoảng không trước mặt. Tờ báo mở rộng cho hai con mắt đen muồi tỏa xuống cái nhìn mông lung. Như nàng không đọc thấy gì trên những hàng chữ đó. Nàng thấy gì đâu đâu. Và nàng mỉm cười, mỉm cười mà không một lần ngẩng đầu lên cho Tuấn gặp lại đôi mắt xưa đã làm lòng chàng xao động như cánh bay giữa vùng bão tố. Người con gái đêm Sàigòn xưa ngồi ở đây sao? Hay chàng lầm lẫn? Hay là một liên tưởng mộng mị. Bởi nàng đã khác xưa nhiều. Ở dáng ngồi. Ở mái tóc. Ở cái vẻ nghiêm trang già dặn làm cho toàn thể người con gái khoác một vẻ đằm thắm an phận. Đâu rồi những chớp mắt tươi vui, những nguẩy đầu nhí nhảnh, những tiếng nói cười ríu rít lời chim? Vậy là đời nàng đã có gì đổi thaỵ Nàng đã là một con thuyền có bến, bỏ quên những dòng sông, những dốc suối cho thời gian quá khứ. Để hiện hình lên như một đỉnh tuyết lạnh lùng kiêu sa ở đó. Và Tuấn chới với nhìn lên, hồi hộp, ngại ngùng, không dám tiến tới. Mà cũng không thể lùi lại được. Không thể lùi lại được từ khi qua hai dãy hành khách yên lặng để đến đầu máy bay, chàng đã thoáng thấy Trâm.
Cho nên để người phụ lái, chàng đẩy cửa, đi ra lầm nữa. Tờ tạp chí Pháp hờ hững trên đùi Trâm. Mắt nàng nhhìn xuống những hình ảnh rực rỡ trong đó. Và nàng lại mỉm cười. Nụ cười lặng lẽ và cô đơn như không vì một ai, không trao gửi cho ai đó, Tuấn đã ngắm thấy một lần qua đáy cốc long lanh, một chiều Saigòn ở nhà Thúy. Cuộc săn đuổi bắt đầu từ đó. Tuấn không bao giờ ngờ mình là kẻ chiến bại tuyệt vọng. Vì chàng là đỉnh núi trước những kẻ khác làm đồng bằng. Vậy mà điều có thể giản dị lại biến thành vô cùng khó khăn. Chưa quen biết hẳn, Trâm đã biến mất đi, như con chim chỉ một thoáng động cành cũng lạnh lùng vỗ cánh. Bây giờ Trâm đó. Chắc Trâm đã của ai rồi! Tuấn muốn biết, muốn thấy suốt đời Trâm trong hai năm qua bằng tình cờ gặp gỡ hôm naỵ Nên Tuấn đi xuống, đi qua, mà không thể dừng lại. Một nỗi vui xôn xao nhẹ nhõm nhuốm vào lòng chàng khi Tuấn trông thấy bàn tay trái Trâm đưa lên vuốt tóc, không ngón nào đeo nhẫn. Chưa một đính ước với đời. Em tự do và em cô đơn, bao giờ cũng vẫn thế phải không Trâm. Cho nên Tuấn lại đi trở lên. Đẩy cửa. Và chàng mỉm cười xôn xao ngồi nhìn xuống dưới. Núi Đà- Lạt nhấp nhô trong chiều xám. Những vết khói xanh biếc lờ mờ uốn éo bay lên từ những chấm nhà sàn nhỏ lí tí. Tiếng bay sè sè như mùa sương đang rụng xuống mặt kính không gian dày và phẳng. Những thảm cỏ xanh, những đồi suối lượn nghiêng mình phía dưới. Rồi một thoáng, tất cả vùn vụt dâng lên cao. Thân máy bay nhẹ nhàng rung động. Những chong chóng quay chậm lại trông rõ từng nan. Bánh cao su lăn nhẹ trên con đường nhựa dài uốn cong vào sân phi trường.
Tuấn ra đến thang máy bay thì đám hành khách đã vào đến trong kia sân. Không đợi những bạn đoàn viên phi hành đi cùng như mọi khi, chàng hấp tấp đi trước. Màu áo xanh của Trâm loáng thoáng sau rèm hoa đỏ. Tuấn bước mau, thật mau. Và chàng dừng lại ở chỗ kiềm soát vừa lúc Trâm đi vào đó. Người ghi vé nháy mắt cười với chàng như muốn bảo, phi công tán hành khách đấy à?
Trâm bỏ vé hành lý vào ví tay xong, ngẩng đầu lên. Tuấn gọi nhỏ:
- Cô Trâm.
Một giây ngỡ ngàng hồi tưởng. Và Trâm dè dặt quay lại:
- Ông Tuấn. Ông lái chuyến này, sao tôi không thấy?
- Không thấy, vì tôi lái máy bay, và cô đi trên mây.
- Tôi di chuyển hoài như con thoi giữa Đà- Lạt Sàigòn Nha- Trang, sao hai năm nay không gặp ông một lần?
- Tôi mới đổi qua đường bay này. Trước tôi đi những chuyến Bangkok và Hongkong.
- Ông phiêu lưu nhiều quá, nhưng đã gãy cánh chưa?
Tuấn đưa bàn tay trái lên trước mặt Trâm:
- Chưa. Tôi vẫn một mình.
Trâm mỉm cười thấy người đàn ông nổi tiếng nguy hiểm cho đàn bà đang đứng trước mình có vẻ ngây ngô bé bỏng thế nào. Chiếc nhẫn trên ngón tay đâu phải là bằng chứng xác thực của một cuộc đời đã mệnh chung, người đàn ông có vợ hay người đàn bà có chồng, ai khờ khạo tin ngay dấu hiệu đó. Khối đàn ông dấu nhẫn cưới vào trong túiáo khi ra khỏi cửa gia đình, và tròng xích nô lệ ngay vào ngón tay khi trở về đến cổng. Cũng như khối đàn bà hai tay trơ trụi dù đã ba bảy đời chồng đổi thaỵ Mỗi lần đi đường xa một mình, để yên thân, Trâm đeo nhẫn vào ngón tay để tạm thời đẩy lui đám con trao láo liên xuôi ngược.
- Còn Trâm?
- Đi dạy học. Ở một mình. Bình yên.
- Trâm… dạy học?
- Vâng. Có gì làm ông ngạc nhiên? Vì tôi có vẻ thiếu tác phong giáo sư, hay vì ông căn cứ vào những ngày tháng cũ?... Tôi cần sống nhiều đời khác nhau trong một đời. Sàigòn giờ là quá khứ. Hiện tại của tôi là Đà- Lạt.
- Thế… tương lai?
- Tương lại là một bí mật, ông hỏi làm gì?
Giọng Trâm bất ngờ lạnh lùng trĩu xuống và Tuấn nhận ra vẻ dửng dưng tàn nhẫn trong cách xưng hô mà nãy giờ chàng không chú ý đến. Ông, tôi. Danh từ đã đổi thay sau hai năm vắng tiếng im lời. Ngày trước Trâm gọi Tuấn bằng anh, như gọi Lam, anh nàng và là bạn Tuấn. Cô em gái trưởng thành ở một phương diện nào đó, và ngăn cách như một lưỡi dao sắc lạnh cắm xuống miền hoa cỏ giao thân. Ngăn cách hiện hình rõ rệt như một dụng ý khi Trâm đưa bóng dáng thứ ba vào câu chuyện:
- Ông vẫn thường gặp Thúy?
- Thúy? Không. Nhưng sao Trâm nhắc đến Thúy?
- Nghe Thúy nhắc đến ông.
- Chỉ vì Thúy vẫn gửi tôi mua đồ ở Hồng- Kông đấy thôi. Có gì đâu!
Trâm nhướng mày và mỉm cười tinh nghịch như bảo thầm, mặc ông chứ can cớ gì tôi mà đính chính. Tuấn xem đồng hồ tay, nhìn ra những người hành khách chờ đợi tiếp tục đi Sài- gòn rồi nhìn vào hai mắt Trâm:
- Hết giờ rồi. Nếu có người lái thế, tôi sẽ ở lại Đà- Lạt chiều naỵ Trâm cho biết địa chỉ. Tôi trở lại. Thế nào cũng trở lại.
Trâm đáp cộc lốc:
- Không.
- Cho tôi gặp Trâm lại một lần. Một lần thôi.
Trâm quắc mắt cười nhạt:
- Ông coi tôi là loại đàn bà nào? Vừa gặp một người là đưa địa chỉ. Ông quen dùng lối đó với hành khách trên máy bay?
Sửng sốt một giây, rồi Tuấn thản nhiên phân trần:
- Hình như Trâm quen buộc tội cho tất cả những người nào tìm đến Trâm. Trâm quên là mình biết nhau từ trước, Trâm em gái Lam mà Lam không bạn tôi sao. Còn Thúy. Chuyện Lam với Thúy nữa. Hồi ấy Lam ngờ tôi với Thúy, bọn này giận nhau. Lam buồn lang bang một dạo. Sau tôi đưa Lam về cho Thúy. Cả bọn xử huề. Trâm thấy, tôi không có gì với Thúy cả…
Tôi tìm em gái của bạn, tìm thăm một người quen cũ là có tội sao.
Trâm cúi mặt.
- Nhưng… tôi muốn yên và không nhắc đến Sài- gòn thuở trước.
- Tìm thăm Trâm, tôi không mang không khí Sàigòn theo đâu. Trâm không cho địa chỉ, nhưng thế nào tôi cũng trở lại.
Phi trường Liên Khương lùi lại phía dưới. Tuấn trở về Sàigòn hôm đó bằng cánh bay lảo đảo trong biển mây giăng mắc đầy trời, bằng tâm hồn xôn xao bỏng cháy dập dồn hình ảnh. Cho đến khi đèn thành phố sáng lên đón chào phía dưới, khi từng điệu nhạc réo rắc, bập bùng xoáy lên từ vực thẳm của ban đêm, Tuấn chợt thấy Sàigòn xa lạ hẳn. Tâm hồn Tuấn lịm trong một cơn mê sảng rạo rực kỳ dị. Ngọn lửa đam mê cháy bùng trong cơn gió lốc bất ngờ của kỷ niệm.
Trong khoảng một đêm, Trâm lảng vảng hiện lên cùng khắp, trước khoảng không mắt chàng mở ra ngó thấy, trong bóng đen mịt mù mắt chàng khép kín lãng quên. Và mớ tóc dài huyền hoặc của người đàn bà như con sông đêm cho thuyền hồn người đàn ông trôi về bồng bềnh chết đuối. Những mớ tóc vàng như mùa lúa chín. Những mái tóc bạch kim như tơ trời mùa đông. Từng nỗi vấn vương suốt đời chàng nở thắm hoa hương lên cánh đồng tình ái. Một thoáng chàng không còn nhớ gì được nữa. Chỉ còn màu đêm vĩnh viễn của mái tóc Trâm xõa buồn lên nền trời hoàng hôn Đà- Lạt đầy mây bay và gió cuốn. Mái tóc biến thành con rắn. Con rắn trườn mình vấn lấy cổ chàng, vấn khắp thân thể chàng và cơn sốt cảm giác rần rần cháy lên.
Cơn đam mê lặng lẽ trở thành một gọi kêu, một thúc đẩy mãnh liệt. Và trưa hôm sau, Tuấn lên máy bay, về Đà- Lạt, tìm tên người đàn bà hôm qua trong tờ danh sách hành khách chuyến đi Nha- Trang Đà- Lạt, hỏi dò ra địa chỉ ở Hàng không Việt- Nam.
 

No comments:

Post a Comment